“Võ cổ truyền tại TP. HCM: Hun đúc tinh thần thượng võ cho giới trẻ”
Tại thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm võ thuật lớn của cả nước, hiện có rất nhiều môn võ thuật hoạt động. Môn võ cổ truyền luôn có chỗ đứng và bản sắc riêng. Với tổng số 35.000 võ sinh thuộc 52 võ phái tham gia tập luyện thường xuyên, phần nào cho thấy “nội lực” và sức cuốn hút của các môn võ dân tộc này. Hội võ cổ truyền TP. Hồ Chí Minh cũng có một đội ngũ võ sư và HLV giỏi nghiệp vụ làm nòng cốt, đào tạo nhiều VĐV ưu tú cho đất nước.
Tâm huyết với Võ cổ truyền:
Song hành cùng với tỉnh Bình Định qua 4 kỳ Festival võ thuật cổ truyền gây tiếng vang lớn, TP.HCM cũng đã 3 lần tổ chức giải đấu quốc tế Võ cổ truyền có hàng chục nước tham dự. Đặc biệt, ở giải đấu lần III- 2012 vừa qua, lần đầu tổ chức thi đấu đối kháng trên sàn đài. Với luật thi đấu khoa học và dễ hiểu, VĐV các nước đã hào hứng thi đấu trên tinh thần thượng võ. Giải đã gặt hái nhiều thành công, mở rộng cửa cho Võ cổ truyền bước ra sân chơi quốc tế.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, võ cổ truyền Việt Nam tại TP.HCM cùng với các võ sư của cả nước đã tham gia đóng góp ý kiến tại 13 hội nghị chuyên môn để định hình và tìm các bài bản hay cho một hệ thống xuyên suốt. Biết bao tâm huyết của các thế hệ võ sư TP.HCM cũng như cả nước và các nhà khoa học đã đóng góp để bộ môn Võ cổ truyền ngày nay có vóc dáng bề thế đến như vậy. Võ cổ truyền có nền tảng 18 bài võ quy định là sự chắt lọc tinh hoa võ học của cả nước, là sự kế thừa di sản độc đáo của ông cha qua bao đời còn lưu giữ lại.
Phong trào võ cổ truyền của TP.HCM quyết tâm giữ gìn truyền thống nhưng cũng có cách tân, có hiện đại. Hội võ thuật cổ truyền TP.HCM cũng đã xây dựng được hệ thống lý luận dựa trên nền tảng triết học cổ phương Đông kết hợp với nguyên lý khoa học. Các phương pháp huấn luyện khoa học cùng các bài test về tâm sinh lý được vận dụng nhất quán đưa môn Võ cổ truyền thoát khỏi lối dạy theo kiểu “bí truyền” xưa cũ. Cùng với các võ sư trên cả nước học hỏi và tìm tòi, võ cổ truyền đã có diện mạo mới, có thể sánh vai cùng các môn võ nổi tiếng khác trên thế giới.
Phát triển tinh thần thượng võ cho giới trẻ:
Giới trẻ chính là nguồn lực hùng hậu để đưa võ cổ truyền Việt Nam lên tầm cao mới. Bắt nguồn từ nhận định ấy, TP.HCM đã liên tiếp tổ chức các giải đấu như Giải trẻ võ thuật cổ truyền diễn ra hàng năm với sự tham dự của đông đảo võ sĩ các quận, huyện. Giải đấu chính là cơ hội cho các võ sĩ trẻ TP.HCM cọ xát chuẩn bị cho các giải thi đấu quốc gia trong tương lai. Trong năm 2012, lần đầu tiên kể từ Giải VĐQG năm 2001 tại Gia Lai, các võ sĩ nội dung đối kháng sẽ trở lại thi đấu trên võ đài ở các giải đấu quốc gia. Việc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho phép thi đấu trên võ đài trở lại sẽ giúp TP.HCM sớm đẩy mạnh công tác xã hội hóa khi thu hút được nhiều người xem các giải đấu, nhất là vào dịp Xuân về với các võ đài mở tại các Hội hoa Xuân, các công viên Văn hóa.
Bên cạnh đó, Hội Võ cổ truyền TP.HCM còn liên tiếp tổ chức những khóa học miễn phí. Võ sư Hồ Tường (Hội Võ cổ truyền TP.HCM), người chịu tránh nhiệm chính của chương trình này cho biết: “Lớp võ dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT trên địa bàn TP.HCM diễn ra trong 3 tháng hè nhằm tạo ra một sân chơi hữu ích và rèn luyện sức khỏe cho các em. Bên cạnh đó, khóa học cũng hun đúc tinh thần thượng võ, yêu tinh hoa dân tộc cho trẻ em, cũng chính là tương lai của Võ cổ truyền Việt Nam.”
Hiện nay, TP.HCM phổ biến những phái võ như: Hồng Gia, Kim Kê Môn, Lâm Thắng Nghĩa, Lam Sơn Võ Trí Dũng, Thiếu lâm Hoàng Gia, Thiếu Lâm Tây Sơn,Thiếu lâm Thái Hư, Thiếu lâm Trưng Vương, Thiếu lâm Tân Khánh Bà Trà, Trung Sơn Võ Đạo, Vịnh Xuân, Vịnh Xuân Quyền Kim Long, Hóa Quyền đạo…
Cần vươn lên tầm cao mới:
Việc tiến hành thành lập Liên đoàn thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ đòi hỏi quyết tâm của ngành TDTT, của giới võ mà còn cả sự đồng hành của xã hội. Còn nhớ cách đây 3 năm, khi ý tưởng thành lập Liên đoàn thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam vừa mới manh nha hình thành, ông Trần Huy Bình – Phó vụ Trưởng Vụ Thể thao quần chúng đã cùng chúng tôi làm việc với chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát để mời tham gia. Còn rất nhiều tấm lòng đồng cảm như vậy khi chúng ta làm cho họ hiểu được võ cổ truyền chính là một phần của văn hóa dân tộc, là nguồn gốc làm nên bao chiến công hiển hách trong lịch sử.
Hội Võ thuật cổ truyền TP.HCM cùng võ lâm đồng đạo luôn đặt ra câu hỏi: “Võ cổ truyền đã phát triển xứng tầm hay chưa?” Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Chúng ta đã dày công xây dựng được một hệ thống võ thuật vừa kế thừa truyền thống, vừa mang tính khoa học thực tiễn. Liên đoàn Võ thuật cổ truyền TP.HCM cũng đã tổ chức biên soạn và in ấn bộ sách “Võ cổ truyền Việt Nam” – 2 tập dùng làm tài liệu học tập và huấn luyện. Đây là bộ sách biên soạn đặc sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao, có thể coi như một bộ giáo trình, từ đó xây dựng chương trình giảng dạy võ thuật trong học đường.
Bộ sách đang được dịch sang tiếng Pháp, sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục cho dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga. Làm được điều này là cả một sự nỗ lực to lớn, có thể nói đó là thành tựu chung của làng võ Việt Nam. Bộ sách này khi phát hành ra các nước, sẽ giúp cho việc truyền bá và phổ biến võ cổ truyền Việt Nam trở nên sâu rộng hơn.
Như vậy, điều kiện trong nước kể như đã chín muồi. Nhìn ra thế giới, võ cổ truyền Việt Nam cũng đã có sự phát triển hết sức ngoạn mục. Từ những thập niên 30 – 40 của thế kỷ trước, nhiều người Việt định cư ở Pháp đã mở lò võ và sau đó dòng chảy võ Việt lan tỏa khắp châu Âu và các nước Bắc Phi. Sau năm 1975, võ Việt bắt đầu bén rễ và phát triển ở Mỹ, Canada và Úc. Thập niên 90, võ Việt được truyền bá ở Nga và các nước Đông Âu. Một số nước đã có tổ chức Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như Pháp, Ý, Nga. Các nước như Bỉ, Đức, Thụy Sĩ đang vận động thành lập.
Hơn 10 năm trước, chính các võ sư sống ở nước ngoài đã có ý tưởng làm một cuộc hành trình về nguồn cho các môn sinh học võ Việt. Và kết quả là Festival võ thuật cổ truyền đã ra đời. Tại các giải đấu quốc tế các năm qua, nhiều võ sư nước ngoài cũng bày tỏ phải có một tổ chức quy tụ võ cổ truyền Việt Nam trên thế giới về một mối. Đồng thời xây dựng một sân chơi quốc tế và tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của võ Việt trên toàn cầu.
Thông qua con đường học võ cổ truyền Việt Nam, biết bao trái tim trên thế giới đã trở nên gần gũi và yêu mến đất nước sản sinh ra môn võ này. Chúng tôi đã nhận thấy điều đó ở khắp nơi. Tại giải đấu quốc tế võ cổ truyền vừa rồi, khi đón nhận huy chương cùng các văn bằng do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Namcấp, nhiều đoàn đã thể hiện tình cảm vui sướng đến vỡ òa. Trong con mắt của họ, chẳng phải đất nước và văn hóa Việt Nam chúng ta hết sức tuyệt vời hay sao?
Võ cổ truyền vốn đi trước về sau, bây giờ đến thời điểm quyết định. Nếu những cá nhân, cơ quan hữu trách còn chần chừ, lỡ hẹn, chẳng phải chúng ta có lỗi với tiền nhân, có lỗi với lịch sử và có lỗi với một phần của văn hóa dân tộc?