Giới thiệu về Võ cổ truyền Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất của con người, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người mà thông qua việc tập luyện Võ cổ truyền Việt Nam còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của con người Việt Nam.
Văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có Võ học và Võ đạo, sản sinh trên nền tảng giá trị lịch sử, phong tục tập quán, địa lý và tâm thức dân tộc. Võ học và Võ đạo Việt Nam hình thành lên triết lý sống “Nhân Văn và Thượng Võ”, là kim chỉ nam để dân tộc ta trường tồn và phát triển.

Võ cổ truyền Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với truyền thống lao động cần cù, tính hiếu học và tinh thần thượng võ của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, được truyền bá và lưu giữ từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, dòng tộc cũng như các võ đường, lò võ trên các vùng miền của đất nước. Cũng qua những thăng trầm của sự phát triển đó, Võ cổ truyền Việt Nam đã thấm sâu vào máu thịt, vào tư tưởng, vào hành động của mọi người, trở thành một mảng văn hóa tinh thần đầy tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân dân ta đã dùng võ để rèn luyện thân thể, nâng cao khả năng tự vệ, tôi luyện ý chí sắt đá và ứng dụng trong các trò chơi, lễ hội để tăng cường sự giao lưu trong cộng đồng.

Với chủ trương “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế”. Ngành Thể dục thể thao đã quan tâm sưu tầm, nghiên cứu phát triển các trò chơi vận động dân gian, các hoạt động thể thao dân tộc để trở thành các môn thể thao dân tộc trong đó hoạt động Võ cổ truyền Việt Nam được quan tâm ưu tiên phát triển hàng đầu.

Cùng với tiến trình giao lưu, trao đổi, mở rộng các mỗi quan hệ hợp tác, phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật… với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Võ cổ truyền Việt Nam cũng đã sớm hiện diện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, theo nhiều con đường, thời điểm và lý do khác nhau. Ngoài ra Võ cổ truyền Việt Nam còn “xuất ngoại” thông qua con đường ngoại giao, giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa, thương phẩm, thăm viếng, du lịch giữa các nhà ngoại giao, nhà truyền giáo, thương nhân, du khách…của các nước với nước ta và nước ta với các nước từ nhiều thế kỷ trước, nhưng sâu rộng và nhanh mạnh hơn cả là kể từ khi người Việt sang học tập, công tác, định cư lâu dài ở nhiều châu lục, trong đó có khá đông các nhà nghiên cứu võ học, hoạt động võ thuật, các võ sư, huấn luyện viên và võ sĩ nổi tiếng qua các thế hệ.

Đặc biệt, kể từ khi nước ta mở rộng hội nhập, quan hệ hợp tác và phát triển toàn diện với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài yêu chuộng Võ cổ truyền Việt Nam có cơ hội đến nước ta nghiên cứu, thi đấu, biểu diễn, giao lưu và học tập võ cổ truyền, để rồi sau đó trở về nước mình hoặc đến một số quốc gia khác truyền bá, giảng dạy, phát triển theo tôn chỉ, mục đích riêng của từng môn phái và theo xu hướng “trăm hoa đua nở”.

Nhà nước ta cũng đã thường xuyên cử các đoàn Võ cổ truyền Việt Nam sang các nước để thắt chặt quan hệ, giao lưu, trao đổi, hợp tác trên lĩnh vực võ thuật và khuyến khích các võ sư, huấn luyện viên cao cấp, võ sĩ trong nước đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giảng dạy, thi đấu, biểu diễn và truyền bá Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần cùng với các thế hệ võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ người Việt ở hải ngoài và người nước ngoài đã và đang học tập Võ cổ truyền Việt Nam đồng tâm, hiệp lực, ra sức vun đắp, nâng cao uy thế, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới phong phú, đa dạng của Võ cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì thế Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là một môn thể thao đơn thuần mà đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa thể chất và là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Việt Nam.

Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam là lĩnh vực rộng, có tính xã hội cao, có vị trí quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao ở nước ta. Việc Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam là cần thiết và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, quốc tế. Ngày 3 tháng 01 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”.

Võ cổ truyền Việt Nam là tổng hợp các môn phái võ của dân tộc Việt Nam đã được phát triển rộng rãi ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên Thế giới. Trên trường quốc tế, theo thống kê ban đầu, hiện nay trên toàn thế giới ước tính có khoảng 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện, môn phái, võ phái, võ đường, câu lạc bộ với khoảng 900 nhà hoạt động võ thuật, võ sư chưởng môn, võ sư, huấn luyện viên và khoảng hơn 1 triệu lượt môn sinh qua các thế hệ, đã và đang theo học võ cổ truyền Việt Nam. Đến nay Võ cổ truyền Việt Nam đang được giảng dạy và tập luyện ở trên 45 nước như: Austraria (Úc), Austria (Áo), Angeria (An-giê-ri), Cambodia (Campuchia), Canada (Ca-na-đa), Szech (Cộng hòa Séc), Congo (Cộng hòa Công Gô), England (Anh), France (Pháp), Germany (Đức), Holland (Hà Lan), Italy (Ý), Japan (Nhật Bản), Laos (Lào), Luxembourg (Lúc-xăm-bua), Morocco (Ma Rốc), Philippine (Phi-lip-pin), Poland (Ba Lan), Portugal (Bồ Đào Nha), Russia (Nga), Spain (Tây Ban Nha), Switzerland (Thụy Sỹ), Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ), USA (Mỹ), Israel (Ít-sa-ren),…

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4299/VPCP-KGVX ngày 10 tháng 6 năm 2015 cho phép tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam được thành lập ngày 08 tháng 8 năm 2015 tại Hà Nội. Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thế giới trở thành một tổ chức chính quy, hợp pháp, là một ngôi nhà chung cho cộng đồng quốc tế yêu thích môn võ thuật truyền thống này nhằm tiếp tục quảng bá sâu rộng hơn nữa những giá trị văn hoá cao đẹp của Việt Nam đến mọi châu lục.

VÕ TÂY SƠN BÌNH ĐỊNH – VÕ ĐƯỜNG HÀ TRỌNG KHA VY

                                                                       Thầy Hà Trọng Kha Vy

Hotline: Thầy Hà Trọng Kha Vy: 0989 67 93 94

Địa chỉ: Đình An Hội, đường Cây Trâm, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. (gần trường tiểu học Lương Thế Vinh)

Thời gian mở cửa: từ Thứ Hai đến Chủ Nhật (trừ tối Chủ Nhật).

Facebook: Võ Tây Sơn Bình Định – Võ Đường Hà Trọng Kha Vy

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn