CÁC LÒ VÕ TÂY SƠN – PHẦN 1 – VÕ ĐƯỜNG PHAN THỌ

VÕ TÂY SƠN – VÕ ĐƯỜNG PHAN THỌ

Võ đường Phan Thọ do võ sư Phan Thọ làm chủ môn phái, ông sinh năm 1928, quê quán thôn 4, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

 

Võ sư Phan Thọ

Phan Thọ học võ từ năm 15 tuổi, bái sư cụ Cai Bảy (chính danh Nguyễn An, con cả của cố lão sư Hương mục Ngạc nổi tiếng thời Pháp thuộc).

Năm 24 tuổi, sau khi đã tinh thông những bài bản cao thâm của thầy Cai Bảy, dù đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng, ông vẫn quyết bán đôi bò cày, một tài sản lớn lúc bấy giờ để lấy tiền chuyên tâm tầm sư học đạo.

Khi ở làng võ An Vinh thì học thầy Sáu Hà, rồi qua làng võ An Thái học cụ Tàu Sáu (Diệp Trường Phát), lên làng võ Thuận Truyền học sư Hồ Ngạnh.

Cứ như vậy ông học hỏi và luyện tập võ thuật suốt 20 năm ròng. Nhờ kiên tâm khổ luyện, Phan Thọ là một trong những võ sư hiếm hoi hiện nay tinh thông thập bát ban binh khí, biểu diễn rất bài bản, tuyệt chiêu một số bài quyền, roi: Quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên, côn pháp Bát quái…

Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại binh khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở lòng dân bản địa mà dân gian gọi là võ thế, võ vườn như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chỉa ba mũi nhọn)…

Theo các võ sư ở Bình Định, Phan Thọ là lão võ sư có bộ tay biểu diễn võ thuật hay nhất trong giới võ sư võ cổ truyền Bình Định hiện nay. Mỗi khi võ sư Phan Thọ đi quyền, người ta thấy được cái thực và chính là cốt lõi võ học lộ ra trong những đường chuyển động bao hàm sự cao siêu lẫn giản dị như những lẽ phải trong cuộc sống đời thường. Võ đường Phan Thọ hiện có khá đông môn sinh đang sinh sống, lập nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Địa chỉ võ đường Phan Thọ: Xã Bình Nghi, Huyện Tây Sơn, Tỉnh Bình Định.

Số điện thoại: 0985581399 – Võ sư Phan Thọ.

Độc xà thám nguyệt
Độc xà thám nguyệt

Lão võ sư Phan Thọ với chiêu “Độc xà thám nguyệt”

Lão võ sư Phan Thọ hiện nay là một trong số ít những người am tường về 18 môn binh khí và nắm được những tinh hoa của môn võ Tây Sơn.

Ông là hiện thân tiêu biểu về “dân võ” của Bình Định. Năm lên 15 tuổi, Phan Thọ tìm đến An Vinh để theo học võ thầy Cai Bảy, học quyền thuật tại đây được 5 năm, ông lại tiếp tục tìm đến võ sư Diệp Trường Phát (còn gọi là Tàu Sáu) để học kiếm pháp.

Sau đó ông lại tìm đến đại đồ đệ của võ sư Hồ Ngạnh là thầy Châu để học về côn. Đặc biệt, ông được học thêm 6 chiêu thức độc đáo của một người “chuyên kiếm sống về đêm” mà vì lý do tế nhị nên ông không nêu tên.

Theo ông, 6 chiêu thức của người này rất tuyệt diệu, nhờ nó mà ông đã giành được không ít trận thắng. Chính những năm tháng bôn ba “tầm sư học võ”, Phan Thọ đã tập hợp được nhiều nét tinh hoa của võ Bình Định.

Cá tính rất mạnh và cũng là nét nổi bật của ông là “tính tự ái dân tộc”, ông không bao giờ chấp nhận ai coi thường dân tộc mình, nhất là trong lĩnh vực võ học.

Vì vậy, ông đã nhiều lần “phiêu lưu” cả tính mạng của mình để “khẳng định” võ Bình Định không thua kém ai. Cho đến nay, người ta vẫn truyền miệng với nhau những giai thoại về 3 lần hạ gục các võ sĩ Đại Hàn (Hàn Quốc) của ông.

Trong cái nắng chiều hanh hao của những ngày cuối năm, tôi có dịp hầu chuyện lão võ sư về quãng đời mà ông đã đi qua sau khi cạn chén rượu Bàu Đá ông mời.

Với ông thì “vô tửu bất thành lễ”.

Bằng chất giọng khỏe khoắn, sôi nổi, ông đã kể cho tôi nghe tường tận về chuyện 3 lần ông tỉ thí với các võ sĩ Đại Hàn.

Lần đầu tiên ông đấu với một sĩ quan Tứ đẳng huyền đai Teakwondo, tên Lee, ngay trên quê hương Tây Sơn của mình. Tên sĩ quan này đóng quân gần Bình Nghi và cậy thế mình giỏi võ Teakwondo nên thách ai đấu thắng sẽ có thưởng.

Lão võ sư Phan Thọ cười hề hề:

“Tui đâu mong gì ở giải thưởng của nó, tại thấy nó hống hách quá, với lại hồi đó tui mong muốn có được một ít lựu đạn để đánh cá chơi nên nhận lời thách đấu với nó, nếu tui thắng, chỉ cần lấy một thùng lựu đạn thôi. Nó đồng ý.

Cái võ của Đại Hàn là rất hay ở cặp chân, nó đá rất nhanh và mạnh, lúc đầu tui chỉ né tránh để tìm sơ hở, khi thấy nó đá nhiều mà phòng thủ không chắc, tui dùng thế Độc xà thám nguyệt “lặn” qua háng và húc thẳng vào hạ bộ làm nó té nhào chết điếng, vậy là tui khiêng thùng lựu đạn về đánh cá cho đã”.

Lần thứ 2 ông thi đấu với võ sĩ Đại Hàn ấy là vào năm ông 46 tuổi. Nhân dịp ngày giỗ Tổ vua Hùng tổ chức tại Pleiku, những sĩ quan Đại Hàn đưa một số võ sinh theo học Teakwondo từ Sài Gòn lên Pleiku để tham gia đấu võ.

Đoàn võ cổ truyền Tây Sơn gồm có 20 võ sĩ, do võ sư Hà Trọng Sơn dẫn dầu cũng được mời lên tham gia. Lần lượt các võ sĩ của Bình Định đã giành chiến thắng trước các võ sĩ do Đại Hàn đưa lên.

Sau đó, viên tùy tùng có tên là Joo, của ông sĩ quan trưởng đoàn Đại Hàn, thách đấu với đoàn võ sĩ Bình Định. Lão võ sư Phan Thọ hào hứng kể lại:

“Thấy thằng này tới Ngũ đẳng huyền đai Teakwondo mà lại cao to nên anh em ai cũng ngán, được thế nó dương dương tự đắc.

Tui nhìn cái mặt nó câng câng đi qua đi lại trên sàn đấu mà thấy nóng cả người. Mặc cho anh em ngăn cản, tôi nhảy phắt lên sàn nhận lời thách đấu.

Tai tui chỉ kịp nghe một tiếng si….a…a… là thấy cặp giò của nó tung ra những cú đá vun vút, tui “lặn” người xuống tránh đồng thời cũng dùng thế Độc Xà Thám Nguyệt húc đầu vào hạ bộ khiến nó té nhào xuống sàn và bị trật khớp tay, chính vì bị đòn bất ngờ nên nó xin hòa chứ không đấu nữa…”.

Có thể nói thế “Độc xà thám nguyệt” là một trong những tuyệt chiêu mà lão võ sư Phan Thọ tập luyện được.

Khi tập tuyệt chiêu này, ông bố trí các hình nộm xen kẽ nhau đồng thời buộc dây ngang tầm thắt lưng. Sau đó tập né tránh, lặn qua dây, lách qua các hình nộm cho thật nhuần nhuyễn.

Độc xà thám nguyệt (một con rắn thăm dò khuôn trăng) là chiêu thức cúi hụp người xuống để né đòn đá của đối phương rồi dùng đầu húc thẳng vào hạ bộ để triệt hạ đối phương.

Năm 1998, một đoàn võ sư, võ sĩ của Hàn Quốc lại sang Bình Định với mong muốn “giao lưu, học hỏi” võ cổ truyền Bình Định. Lãnh đạo Sở TDTT đưa những người này lên Tây Sơn để giao lưu về võ học.

Khi diện kiến lão võ sư Phan Thọ, một trong số này đã khiêu khích: Võ Tây Sơn kém quá, đã mấy ngày rồi mà không tìm được ai để thi đấu. Thế là câu nói này chạm đúng lòng tự ái của Phan Thọ, khi ấy ông đã 71 tuổi, ông liền nhờ cô thông dịch viên nói lại với đoàn võ sĩ Hàn Quốc là ông nhận lời thách đấu.

Cô thông dịch viên nhìn ông với vẻ ái ngại và khuyên ông:

“Cụ già rồi! Không đánh lại họ đâu, lỡ có bề gì thì khổ con cháu”.

Ông Phan Thọ thẳng thừng:

“Tôi đã nhận lời thách đấu, chết tôi chịu chứ tôi không để họ coi thường dân mình. Ông xắn tay áo bước xuống sân nghênh chiến, anh võ sĩ Hàn Quốc tung cú đá cực mạnh nhắm vào đầu lão võ sư, ông liền hụp người xuống né cú đá hiểm và cú đá này trúng vào chiếc cột nhà của ông khiến chiếc cột bị nứt làm đôi.

Tất cả mọi người đứng xem trận đấu như nín thở. Khi người võ sĩ Hàn Quốc tung tiếp cú đá thứ 2, ông lại dùng Độc xà thám nguyệt và một lần nữa ông đã thành công, tay võ sĩ người Hàn đổ gục xuống sân gạch như cây chuối bị chặt và khoát tay xin thua.

Ngoài ra khi nhắc đến Phan Thọ, người ta vẫn thường kể cho nhau nghe về trận đánh giữa ông và con heo rừng hung dữ. Năm ấy, Phan Thọ 45 tuổi. Có một con heo rừng lạc xuống đồng bằng và húc bị thương rất nhiều thanh niên trong vùng. Thấy con heo rừng to và quá hung dữ nên ai cũng sợ.

Cả 3 làng ở thôn Bình Nghi cùng nhau tìm cách giết ác thú để trừ hại cho dân. Lão võ sư Phan Thọ nhận lời tiêu diệt con heo rừng hung dữ.

Ông kể:

“Khi tui xáp trận, tất cả những người dân của thôn Bình Nghi đều dạt ra bao xung quanh. Tui cầm cái vồ dùng để đập đất đánh với nó hơn 3 giờ đồng hồ mới hạ được nó, chỉ tiếc là cái áo cổ vuông bà xã vừa may chưa mặc được bao lâu đã bị con heo làm rách nát”.

Giờ đây, khi tuổi tác ngày đã càng cao, lão võ sư Phan Thọ vẫn chưa muốn “dưỡng già”, ông vẫn thâu nhận đêï tử với mong muốn truyền lại những tuyệt kỹ của võ học cho đời sau, trong lòng ông vẫn canh cánh một điều: Vẫn chưa có người thực sự là truyền nhân của ông. Ông cười chua chát:

“Ngày xưa tui đi học võ mất cả hơn chục năm trời, còn tụi trẻ bây giờ nó chỉ học vài năm, thậm chí chỉ vài miếng võ vẽ là nản, rồi nghỉ luôn”.

… Còn tiếp …

(nguồn báo Binh Định)

Nếu bạn quan tâm đến Võ Tây Sơn thì có thể liên hệ võ sư Hà Trọng Ngự hoặc võ đường Hà Trọng Kha Vy để được hướng dẫn luyện tập đúng cách!

chuyên dạy: Kick Boxing, Muay Thai, Võ Tự Vệ, Boxing.

✨Khai giảng thường xuyên.✨

✨Lớp học dạy theo khả năng từng học viên không dạy đại trà.✨

✨Các hình thức dạy: dạy kèm đặc biệt, dạy kèm tại nhà, dạy thời gian linh hoạt theo yêu cầu của học viên.✨

Địa chỉ: đình An Hội, đường Cây Trâm, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. (gần trường tiểu học Lương Thế Vinh)

Điện thoại: 0989 67 93 94 (Thầy Kha Vy)

THỜI GIAN HỌC: TỪ THỨ HAI ĐẾN SÁNG CHỦ NHẬT

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *