Bình Định – nơi hội tụ tuyệt đỉnh võ thuật cổ truyền

Bình Định là nơi hội tụ, kế thừa và phát triển tuyệt đỉnh những giá trị đích thực, tinh hoa nền võ học chân truyền Việt Nam. Vùng Bình Định xưa (phủ Hoài Nhơn), do còn hoang sơ, địa hình cực kỳ hiểm trở, nên những thập niên đầu sau khi lập phủ Hoài Nhơn, từ 1471-1490, nhà Lê chỉ cử các thổ quan là người địa phương cai quản. Những năm sau đó, để ổn định xã hội, một mặt nhà Lê đưa các võ tướng, võ quan vào trấn giữ, mặt khác, khuyến khích những người gan dạ, giỏi võ từ Đàng Ngoài vào khẩn hoang, lập ấp. Sau đó, nhiều anh hùng, hào kiệt võ nghệ cao cường cũng lần lượt vào vùng đất nầy lập thân, lập nghiệp.
Nhiều dòng họ từ Đàng Ngoài vào phủ Quy Nhơn, nhất là tại vùng Tuy Viễn, mở trường dạy học, dạy võ và trở thành tiền hiền sáng lập các môn phái, các làng vỏ nổi tiếng ở Bình Định sau nầy. Dòng họ Trương, ông tổ là Trương Đức Thường, từ Hải Dương vào lập nghiệp ở huyện Phù Ly (sau nầy chia thành 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát), 5 đời đều có người thi đổ tiến sĩ võ hoặc cử nhân cả văn lẫn võ. Dòng họ Đinh, ông tổ là Đinh Viết Hòe, từ Ninh Bình vào Tuy Viễn (vùng An Nhơn nay), có con là Đinh Văn Nhưng (thường gọi là Ông Chảng) là thầy truyền dạy võ công cho ba anh em nhà Tây Sơn. Tộc họ Trương, ông tổ là Trương Văn Hiến, từ Hưng Nguyên (Nghệ An) vào vùng Tuy Viễn ẩn cư và mở trường dạy học, truyền thụ những tuyệt đỉnh võ công và binh pháp cho ba anh em nhà Tây Sơn và hàng loạt võ tường lừng danh triều Tây Sơn. Tộc họ Đào, Đào Duy Từ, một đại thần văn võ song toàn của chúa Nguyễn, đã biên soạn quyển binh pháp “ Hổ tướng Khu cơ ” để đào tạo tướng sĩ.
Đặc biệt nhà Tây Sơn, tuy chỉ tồn tại chưa đầy 1/4 thế kỷ, nhưng đã dày công nghiên cứu, kế thừa và phát triển toàn diện nền võ học chân truyền Việt Nam thành một hệ thống liên hoàn gồm cả võ lý, võ lễ, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc. Võ Tây Sơn là một chỉnh thể thống nhất, đáp ứng theo từng tình huống cụ thể (lấy ít đánh nhiều, chuyển yếu thành mạnh, tay không chống binh khí và tận dụng tối đa thuật điểm huyệt), thích nghi với mọi địa hình và đủ sức đối đầu với mọi đối tượng. Nhà Tây Sơn đã thực hiện chính sách “Tịnh vi dân, động vi binh”, khuyến khích nhà nhà học võ, làng làng luyện võ, mở trường dạy võ, dụng đàn đấu võ để khi thanh bình, mọi người đều khỏe mạnh, lúc có ngoại xâm, mỗi người dân là một binh sĩ thiện chiến. Nhờ vậy mà nghĩa quân Tây Sơn, nhất là tướng lĩnh, không những giỏi thao lược mà còn điêu luyện võ công, nhuần nhuyễn đánh cận chiến, giỏi hành quân thần tốc. Võ Tây Sơn là thời kỳ phát triển võ cổ truyền dân tộc rực rỡ nhất, toàn diện nhất.
Dưới triều Nguyễn, võ Tây Sơn-Bình Định bị coi là “võ vườn”, người dạy võ và người học võ phảI lén lút trong rừng, trong vườn. Sau một thời gian tạm lắng xuống vì những người từng tham gia phong trào Tây Sơn bị các vua Nguyễn truy bắt, trả thù, cuối thế kỷ XIX, nhiều võ đường lần lượt ra đời trên miền đất võ Bình Định, với những võ sư tên tuổi như Trung Quân, Bầu Đê; võ phái Hồ Ngạnh, quyền An Vinh gắn liền với họ Đinh; võ phái Tuy Phước gắn liền với họ Hồ; võ phái Bình Khê đứng đầu là võ sư Phan Văn Thọ.
Năm 1868, triều đình Huế cho phép Trường Thi Hương Bình Định cùng các trường Thi Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên được mở thi Hương võ sau khi kết thúc thi Hương văn. Thời điểm nầy, tỉnh Bình Định có 2 tiến sĩ võ là Nguyễn Văn Tứ, quê An Nhơn, đỗ năm 1868 và Đặng Đức Tuấn, quê Phù Mỹ, đỗ năm 1869.
Thời Pháp thuộc, năm 1943, võ sư Lê Khánh Dư lập Võ đường Tây Sơn Bạch Long tại Sài Gòn; Trương Thành Đáng lập Võ phái Sa Long Cương cũng tại Sài Gòn (nay do nghệ sĩ Lý Huỳnh tiếp tục điều hành).
Thời kháng chiến chống Pháp, nam nữ thanh niên Bình Định, nhất là các lực lượng vũ trang vẫn duy trì việc luyện tập võ cổ truyền, độc đáo là bài kiếm 12.
Thời kháng chiến chống Mỹ, trong vùng địch kiểm soát, những năm 1960, chính quyền Sài Gòn cho nhập nhiều môn võ ngoại như Taekwondo, Judo, Karate, làm lu mờ võ cổ truyền Việt Nam và võ Tây Sơn-Bình Định. Tuy nhiên, với truyền thống dân tộc và tinh thần thượng võ cao, nhiều võ phái thuộc dòng võ Tây Sơn-Bình Định lần lượt ra đời. Năm 1962, võ sư Lê Văn Lắm thành lập Võ phái Tây Sơn Thiếu Lâm tại Sài Gòn; năm 1965, võ sư Tống Văn Điền sáng lập Võ trận Bình Định tại Phú Yên. Năm 1974, các võ sư Bình Định tâm huyết với võ cổ truyền đứng ra tập hợp lực lượng, thành lập Hội Võ thuật Bình Định nhằm khơi dậy truyền thống thượng võ, bảo tồn, kế thừa, phát triển võ cổ truyền Việt Nam và Tây Sợn-Bình Định.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà, võ Tây Sơn-Bình Định được bảo tồn, khôi phục, chấn hưng bước đầu. Năm 1976, lần đầu tiên ngành thể dục-thể thao Bình Định tổ chức thi đấu “võ đài” tại sân vận động Quy Nhơn và một số địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia. Phong trào truyền dạy và luyện tập võ dân tộc ngày càng phát triển, mạnh nhất là các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn và trong các nhà chùa như Long Phước (Phước Thuận, Tuy Phước), Long Khánh (Quy Nhơn), Bích Liên, Thập Tháp (An Nhơn), Ông Núi (Phù Cát).
Xưa kia, những địa phương nổi tiếng về Võ cổ truyền là An Nhơn có Đinh Văn Nhưng, Trương Văn Hiến là thầy dạy võ ba anh em nhà Tây Sơn; Tây Sơn, quê hương của Tây Sơn tam kiệt và các danh tướng Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Mai Xuân Thưởng; Hoài Ân, quê hương của đại đô đốc Trần Quang Diệu, Chàng Lía; Phù Mỹ, quê hương của dòng họ Trương Đức Thường, gốc Hải Dương, nổi tiếng văn võ qua nhiều thế hệ; Hoài Nhơn, quê hương của anh hùng đả hổ Trần Thị Quyền, Hồ Hoành.
Bình Định có nhiều võ sư lẫy lừng danh tiếng cả nước như Chàng Lía (Võ Văn Doan), Dư Đành, Diệp Đình Tòng, Hồ Triêm, Lê Thị Quỳnh Hà (thân mẫu của Hồ Ngạnh), Hồ Ngạnh, Nguyễn Ngạt, Trần Thị Quyền (người giết cọp, được vua Tự Đức sắc phong là “Anh hùng liệt nữ, tiết nghĩa khả phong“, Diệp Trường Phát. Các Làng võ nổi tiếng là An Thái, An Vinh, Thuận Truyền “Roi Thuận Truyền, Quyền An TháI”. Võ Tây Sơn-Bình Định gồm các môn phái: Võ An Vinh, Võ An Thái, Võ Thuận Truyền, Võ nhà chùa, Tây Sơn Nhạn, Thanh Long Võ đạo, Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tây Sơn Bạch Long,Tây Sơn Thiếu Lâm.
Đặc trưng của võ Tây Sơn-Bình Định là tính quần chúng, tính chiến đấu và tính thực tế cao thể hiện ở chỗ nhà nhà học võ, người người học võ để tự bảo vệ và chống bất công, áp bức. Trong võ Bình Định, bộ ngựa (bộ pháp), túc bất ly địa; mỗi bài quyền hay binh khí đều có bài thiệu nói lên từng động tác, thế võ, giúp người dạy và người học thực hiện chuẩn xác, đồng bộ và thống nhất từng động tác, thế võ, tránh sự thay đổi tùy tiện. Nhiều bài thiệu kèm theo hình vẽ minh họa cho từng bước đi, thế đánh, có cả phần phân tích, lý giải sự lợi hại của từng chiêu.
Trong các bài võ Tây Sơn-Bình Định, Hùng Kê quyền là bài quyền do Nguyễn Lữ sáng tạo, đã được đưa vào hệ thống thi đấu bắt buộc ở nội dung biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam.
Tương truyền, một lần xem hai chú gà trống chọi nhau trong dịp Tết, trong đó có một chú nhỏ hơn đối thủ, nhưng biết vận dụng thế yếu “nhỏ con“ của mình để triệt hạ đối phương, bằng thiên tư võ thuật, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng chế ra bài Hùng Kê quyền nổi tiếng.
Cái thần thái của Hùng Kê quyền là sử dụng sức mạnh của Thủy để đánh đối phương. Mà nước đã chảy thì mạnh lắm, không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Nó bủa vây tứ bề, dùng 3-4 mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm; đánh từ thấp lên cao, đánh từ trên phủ đầu xuống thấp, biến ảo khôn lường. Nó ví như “thủy” có thể len qua mọi ngóc ngách, nhưng khi tập trung lại thì mạnh như thác lũ. Các chiêu thức của bài Hùng Kê khi đánh ra, lúc thì vây tứ phương, tám hướng như trận đồ Bát quái, lúc thì như nước từ trên cao ập xuống bỡi các đòn bay người lên cao, đánh ập xuống, sử dụng “nhất dương chỉ” như cái cựa gà đâm vào tử huyệt trên cơ thể đối phương, khiến đối phương khó bề tránh né. Hiện trong giới võ học đang còn lưu truyền bài thiệu Hùng Kê quyền như sau: “Lưỡng kê giao thủ tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long/ Xuyên khung độc tiễn tăng u trác/ Hồi thủ đơn câu thủ tứ hung/ Thiểu tẩu vượt trâm thiên sở tử/ Nhu, cương, cương, nhược tận kỳ trung/ Bình thân bái tổ đứng lập tần”.
Võ Tây Sơn-Bình Định là một hệ thống binh pháp võ trận hoàn chỉnh và nhiều môn võ nghệ độc đáo, với những thế đánh hiểm hóc, biến hóa và dứt điểm nhanh chóng. Đặc sắc nhất của võ Bình Định là các phép đánh “cộng lực”, các môn binh khí “đánh ngược”, tiêu biểu là roi “tề mi”, còn gọi là “roi chiến” của Thuận Truyền do gia đình Võ sư Hồ Ngạnh truyền tác, hay thuật điểm huyệt, giải huyệt, bí quyết diệt “chúa sơn lâm”, bài “kiếm pháp 12” (ra đời trong kháng chiến chống Pháp, gồm 12 đòn thế tuyệt kỷ, rút tỉa từ các bài kiếm thượng thặng của dân tộc).
Võ Bình Định là một di sản văn hóa vô cùng độc đáo, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được 3 văn bản Hán Nôm viết về những bài võ Bình Định. Bản thứ nhất tìm thấy tại Từ đường Võ sư Phan Văn Thọ (xã Bình Nghi, Tây Sơn) chép 25 bài võ trên giấy dó, khổ nhỏ, có 5 bài viết bằng chữ Nôm, 17 bài viết bằng chữ Hán, trong đó có 20 bài còn tương đối nguyên vẹn. Bản thứ hai, tìm dược ở Từ đường họ Trương (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ) chép 17 bài võ gồm 13 bài chữ Nôm, 4 bài chữ Hán, cũng viết trên giấy dó, khổ nhỏ. Bản thứ ba tìm được ở Võ đường Thanh Lương (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn). Bản nầy gồm 2 phần: phần đầu chép 16 bài võ (8 bài chữ Nôm, 8 bài chữ Hán), phần hai chép 197 hình vẽ minh họa các thế võ về quyền, roi, đao, kiếm…, nặng về các thế võ sử dụng binh khí.

Võ sư Dư Đành

Dư Đành quê làng Thuận Nhất, nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Cha mẹ mất sớm, Dư Đành tư lập từ nhỏ. Ông cao to, nặng trên trăm cân, tính tình lỗ mãng, hễ mở miệng ra là hăm đấm đá, chém giết. Đặc biệt, ông có sức mạnh phi thường, ba bốn người xúm vật không ngã
Một hôm, ông theo thợ rừng lên núi đốn cây về làm nhà ở, bất ngờ gặp hai con cọp đang gầm thét vờn nhau. Mọi người bảo ông tránh xa ra, nhưng ông vẫn thản nhiên vác rựa lại gần đứng xem. Một con cọp thấy động xông ra định vồ lấy Dư Đành. Ông lấy rựa bổ vào đầu cọp. Cọp thất kinh, cong đuôi chạy mất. Mấy người thợ rừng hết hồn, hết vía. Từ đó, tiếng tăm Dư Đành võ nghệ cao cường lan xa, mọi người đều nể phục.
Dư Đành tập họp những võ sĩ nghèo khổ, vô gia cư như ông, lập thành một đảng chuyên trừng trị và cướp của những kẻ giàu có, hống hách, cậy quyền ỷ, thế ức hiếp dân lành, đem chia cho người nghèo.
Dư Đành nhiều lần tỷ thí với các võ sư An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, tài sức kẻ tám cân, người nửa lạng.

Võ sư Bùi Văn Hóa

Võ sư Bùi Văn Hóa quê Bình Định là người sáng lập ra Tây Sơn Nhạn tại Việt Nam. Thuở nhỏ, Bùi Văn Hóa được gia đình cho sang Trung Quốc học võ và được Đại sư Tây Sơn Nhạn, một cao đồ của Thiếu Lâm nhận làm đệ tử.
Sau 10 năm luyện tập thành tài, khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Bùi Văn Hóa trở vể Việt Nam sáng lập ra Tây Sơn Nhạn. Nhưng do hoàn cảnh khách quan nên môn phái của Võ sư không phát triển được.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Võ sư được mời huấn luyện võ thuật cho lực lượng vũ trang kháng chiến tỉnh Bình Định. Từ 1947-1948, Võ sư Bùi Văn Hóa chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp, mở Võ đường tại Chợ Quán. Và từ đây, môn phái Tây Sơn Nhạn bắt đầu nổi tiếng. Sau khi Võ sư Bùi Văn Hóa được mời huấn luyện võ thuật tại Sở Cứu hỏa Sài Gòn (cũ), Tây Sơn Nhạn bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đã đào tạo nhiều môn đệ nổi tiếng Sài Thành, được nhiều người nhắc đến như Nhất Hổ (Lý Phi Sơn Hổ), Nhì Miêu, Tam Trừ (Sáu sTrừ), Tứ Tính.
Võ sư Bùi Văn Hóa tạ thế năm 1958 tại quận 8, thành phố Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), hưởng thọ 65 tuổi.

Võ sư Trần Kim Hùng

Võ sư quê làng Trường Định, huyện Tuy Viễn, là ông nội nữ tướng Trần thị Lan. Do tình cờ Võ sư Trần Kin Hùng gặp Nguyễn Văn Tuyết tại chợ Gò Chàm, sau đó nhận Tuyết làm đệ tử, truyền dạy võ công và gả cháu gái. Nguyễn Văn Tuyết trở thành vị Đô đốc tài ba của nghĩa quân Tây Sơn.

Võ sư Hồ Ngạnh

Hồ Ngạnh là tên con, còn tên thật của ông là Hồ Nhu. Ông sinh năm 1891 tại làng Thuận Truyền, nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Thuở bé, ông học trường làng, đam mê học võ. Hai người thầy ảnh hưởng quan trọng đối với Hồ Nhu là bà Nguyễn Thị Quyến, mẹ ông và một Tạo sĩ (đậu tiến sĩ võ), họ Hồ, bạn của ông Đốc Năm, cha Hồ Ngạnh. Tạo sĩ họ Hồ là người huấn luyện roi cho lính bộ thành Huế. Do có liên quan đến phong trào Cần Vương, bị Triều đình truy nã, nên ông Tạo sĩ đến thôn Thuận Truyền để ẩn náu. Đêm đêm, ông Tạo sĩ miệt mài truyền dạy các đường roi cho Hồ Ngạnh, đến khi đệ tử thành thục thì ông âm thầm ra đi.
Roi Hồ Ngạnh điêu luyện, tuyệt kỷ đến mức khi ông múa roi, ngọn gió phát ra từ đương roi có thể làm tắt mấy ngọn đèn dầu phụng để gần, người đứng ngoài ném sỏi vào người ông thì bị trúng vào đường roi văn ra. Đặc điểm roi Hồ Ngạnh là lấy nghịch chế thuận. Đường roi Lạc Côn, Hồ Ngạnh học từ võ sư Hồ Khiêm là đường roi cộng lực, dựa sức đối phương để đánh lại đối phương. Còn ngón roi đánh nghịch do vị Tạo sĩ họ Hồ truyền dạy. Đường roi nghịch là đường roi khai tử, chấm đầu roi vào sa mỡ kẻ nào thì kẻ đó cầm chắc cái chết trong vòng ba đến bảy ngày. Ông chỉ sử dụng khi đối phướng là cao thủ có ý hãm hại mình.
Tương truyền, nghe đồn Diệp Trường Phát võ nghệ cao cường, Võ sư Hồ Ngạnh tìm đến An Thái diện kiến Võ sư Tàu Sáu để trao đổi nghệ thuật và đấu giao hữu so tài cao thấp. Quả là danh bất hư truyền, cả hai đều nể phục nhau và Diệp Trường Phá tặng Hồ Ngạnh câu: “Doản côn Thuận Truyền duy hữu nhất”; Hồ Ngạnh đáp lại: “Quyền thủ An Thái thị vô song”. Từ đây trong dân gian truyền tụng “Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái”.
Hồ Ngạnh đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi võ Tây Sơn nổi tiếng Miền Nam.
Hồ Ngạnh mất năm 1976 tại quê nhà, hưởng thọ 86 tuổi.

Võ sư Nguyễn Ngạt

Nguyễn Ngạt, tên thường gọi là Hương mục Ngạt. Ông là người sáng lập ra Làng võ An Vinh. Tiếp thu và thừa kế võ thuật của tổ sư và nhiều võ sư tiền bối, Nguyễn Ngạt chuyên tâm nghiên cứu về quyền, sáng tạo nhiều thế đánh ưu việt, trong đó có ngón song xỉ móc mắt cực kỳ lợi hại.
Năm 1908, trong phong trào chống thuế, còn gọi là “Phong trào đồng bào” của nhân dân Bình Định, lấy uy tín của mình, Hương mục Ngạt đứng ra thuyết phục, tập họp bằng hữu, môn sinh ở An Vinh, An TháI, hô hào họ thi hành võ đạo, ủng hộ chính nghĩa, cùng nhau sát cánh tham gia đoàn biểu tình chống thuế, ngăn chặn bạo lực khủng bố, bảo vệ nhân dân. Trước cỗng thành Bình Định, khi thấy đội kỵ binh Pháp xông bừa vào đám biểu tình, dùng roi quất túi bụi vào dân chúng, các võ sĩ An Vinh, An Thái liền xông tới, dùng trường côn hất lính Pháp rớt xuống ngựa, đá văng súng trường của chúng và đánh tơi bời, khiến chúng chỉ biết cắm đầu, cắm cổ tháo chạy.
Hương mục Ngạt đã đào tạo được nhiều học trò giỏi võ , trước hết là các con ông là Bảy Lụt, Tám Cảng (nữ), Chín Giác; các đệ tử khác thì có Sáu Hà, Hương kiểm Mỹ, Tám Tự, Hai Tửu…

Võ sư Diệp Trường Phát

Tên thường gọi của Võ sư Diệp Trường Phát là Táu Sáu. Cha ông là người Hoa, gốc Phúc KIến, mẹ ông là người Việt. Ông sinh năm 1896 tại An Thái, cùng thời với Hồ Ngạnh, Dư Đành. Năm 13 tuổi ông trở về Tàu để tiếp tục học võ. Sau 15 năm, ông trở lại An Thái (nay thuộc Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) mở trường dạy võ. Qua nghiên cứu, rút tỉa, hòa hợp nhuần nhuyển tinh hoa võ Tàu, võ Việt và các môn võ truyền thống của các dân tộc Chăm, Khmer, Lào, Võ sư Tàu Sáu đã làm phong phú thêm, đặc sắc thêm võ Tây Sơn-Bình Định. Vào khoảng năm 1924, ông sáng lập ra môn phái Bình Thái Đạo, đào tạo nhiều đệ tử thành những võ sư nổi tiếng như Chín Ký, Năm Tường, Tuần Chấn, Ba Phùng, cùng thời với các võ sư Kim Nghĩa, Đoàn Phong (Nhơn Mỹ), Mười Đậu (Nhơn Hậu, An Nhơn). Hệ thống kỹ thuật của Bình Thái Đạo được xây dựng trên 4 bộ pháp chính là Hổ, Long, Hầu, Xà, trong đó Hổ quyền và Long quyền thuộc ngạch công được xem là nền tảng, còn Hầu quyền và Xà quyền thuộc nhu công và miêu công là phần cao diệu hơn. Các động tác kỹ thuật của môn phái nầy đều nhanh, cô đọng, linh hoạt và hiểm; cước pháp và bước di chuyển thường được thực hiện ở tầm thấp; xuất quyền thì nhập nội, kín đáo, an toàn; công thủ liên hoàn, hư hư, thực thực với các bài thảo đặc trưng như Linh hầu xuất động, Hầu quyền, Bạch xà tiến động, Tam tuyệt thần đao, Xuyên vân kiếm, Đại thánh náo thiên cung…
Võ sư Diệp Trường Phát tạ thế ngày mùng ba Tết năm 1962, hưởng thọ 67 tuổi, an táng tại An Thái.

Võ sư Hà Trọng Sơn

Võ sư Hà Trọng Sơn được tôn vinh là Hùm Xám Miền Trung. Ông sinh năm 1924, quê huyện Tuy Phước.
Hà Trọng Sơn học võ từ năm lên 8 tuổi do người anh, con ông bác vốn học võ từ vùng An Vinh, An Thái truyền dạy. Sau ông theo học võ của một võ sư tên là Ông Beo ở An Khê. Ông thầy Tàu (Hoa) đã truyền dạy cho ông bài Mai hoa kiếm.
Năm 16-17 tuổi, Hà Trọng Sơn đã thượng đài ở các giải đấu lớn. Thấy ông có khả năng về võ, một quan Ba người Pháp là Đồn trưởng đồn Mang Cá ở Huế  đưa ông về đồn truyền dạy quyền Anh. Thế là Hà Trọng Sơn tinh thông cả võ Việt, võ Tàu, võ Tây. Đôi bàn tay ông luyện sắc như móng cọp, thủ pháp ông vững như bàn thạch.
Tại Hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức ngày 12/10/1944 tại Tourane (Quảng Nam), Hà Trọng Sơn đã đánh bại một võ sĩ người Pháp tên là Esperpaire và đoạt giải Vô địch (Champions Demie Finalisme Indochine). Sau đó, tại Hội chợ Bình Định và Hội chợ Đà Nẵng, ông đoạt tiếp chức Vô dịch Miền Trung. Ông còn đánh ngang hàng với cao thủ Vô địch Đông Dương là Kid Dem sey. Ông được báo chí thời bấy giờ tặng biệt danh “Hùm Xám Miền Trung“. Năm 1950, ông hạ đo ván “Cáo già Miền Nam“ là Huỳnh Tuyền chỉ trong vòng 10 phút. Tại trận đấu võ đài đêm 17.8.1960 tại Bồng Sơn, võ sĩ Ku Xam Thun, người Việt gốc Thái đã đánh bại Đổ Thanh Trì, nhưng đêm sau, võ sĩ Ku Xam Thun đã bị Hà Trọng Sơn quật ngã. Trận tỷ thí diễn ra giằng co, quyết liệt, sau 5 hiệp đấu mà vẫn không phân thắng bại. Khi trận đấu bước vào hiệp thứ 6, hiệp quyết định, Ku Xam Thun vừa tung thế “Lưỡng phụng triêu dương“ thì Hà Trọng Sơn đáp lại bằng thế “Song long hí nguyệt“; Ku Xam Thun chuyển sang thế  “Bạch hạc tầm giang“ thì Hà Trọng Sơn dùng “Thanh xà cản lộ“ để chế ngự. Liền đó, nhanh như chớp, Hà Trọng Sơn tấn công bằng thế “Mãnh hổ du sơn“, Ku Xam Thun đáp lại bằng thế “Hùng sư vượt suối“. Đến thời khắc quyết định, Ku Xam Thun lao người nội nhập với quyết tâm hạ nhanh đối thủ bằng thế “Niết chế quai cằm, xả thây thạch trụ“, Hà Trọng Sơn liền dùng chiêu “Đề khí thiết công, phục lôi hổ giáng”, một thế đánh hiểm, mạnh và chuẩn xác vô cùng. Một tiếng thất thanh vang lên, võ sĩ Ku Xam Thun nhũng người, ngã quỵ.
Võ sư Hà Trọng Sơn tạ thế cuối tháng 3.2010 tại quê nhà ở tuổi 90.

Võ sư Diệp Đình Tòng

Võ sư Diệp Đình Tòng, thầy dạy võ Trần Quang Diệu, quê tổng Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Viễn. Thời thanh niên, ông nổi tiếng võ nghệ cao cường, tính tình cương trực. Ông đã đánh chết tên Tri huyện (thời chúa Nguyễn Phúc Khoát,  1738-1785) ức hiếp dân lành. Bị truy nã  nên ông đưa cả gia đình vào vùng núi Kim Sơn (nay thuộc huyện Hoài Ân) ẩn náu. Không chịu nổi cảnh sơn lâm chướng khí, vợ, con ông lần lượt từ trần.
Một hôm vào rừng Kim Sơn săn thú, Trần Quang Diệu tình cờ gặp một ông lão đang nằm giỡn với một con cọp vằn to lớn. Thấy có người lạ, cọp nhảy đến vồ, Trần Quang Diệu tránh được, cọp lại vồ tiếp. Ông lão hét: ” Cọp dại nhé! “. Con cọp liền ngoan ngoản trở lại với ông lão. Thấy ông lão có tài xuất chúng, Trần Quang Diệu xin được ở lại chốn rừng sâu để học võ. Khi hỏi biết hoàn cảnh gia đình và ý nguyện của Trần Quang Diệu muốn học văn, luyện võ để giúp đời, ông lão tỏ lòng quý mến và vui lòng nhận truyền dạy võ công cho Trần Quang Diệu. Ông lão ấy chính là Võ sư Diệp Đình Tòng.
Sau 5 năm dày công luyện tập, Trần Quang Diệu đã đạt đến trình độ võ nghệ uyên thâm, Một hôm, Võ sư Diệp Đình Tòng gọi Trần Quang Diệu đến và đem trao thanh Huyền Long bảo đao (sản xuất từ đời Trần) cho đệ tử, rồi căn dặn:  “Thầy đã gần trăm tuổi. Bấy lâu nay, thầy còn phải sống vì đạo pháp của thầy chưa có người kế tập. Nay đã truyền dạy cho con rồi, thầy có ra đi cũng rất vui vẻ…”. Nói xong, ông lão nằm xuồng, lấy tay đánh nhẹ vào đầu và vĩnh biệt.
Sau khi chôn cất Thầy, Trần Quang Diệu xuống núi và đi về hướng Tây Sơn.
— Nguồn sưu tầm —

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn