Quyền Tây Sơn nguồn gốc từ đâu

Quyền Tây Sơn xuất phát từ Ấp Tây Sơn, là một địa danh của huyện Tây Sơn – Bình Định.

Nơi đây đã sinh ra Tây Sơn tam kiệt là: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nơi này là vùng đất phì nhiêu, là trong điểm giao lưu giữa miền núi và trung du, có nhiều lâm sản quí. Ba anh em nhà Tây Sơn đã thu phục nhân dân khắp vùng, kết giao anh hùng hào kiệt bốn phương, tích cực trữ binh lương, xây dựng căn cứ cách mạng, qui tụ tài năng để dựng cờ khởi nghĩa.

Theo sử sách để lại, ba anh em nhà Tây Sơn thợ giáo thầy giáo Hiến ở An Thái. Thầy giáo Hiến dạy cho ba anh em cả văn lẫn võ, vì văn không có võ thì nhu nhược, võ không có văn sẽ trở thành cường bạo. Chỉ có văn võ song toàn mới trở thành người toàn diện.

Tuy ba anh em học cả văn lẫn võ nhưng nặng về võ hơn. Nguyễn Huệ giỏi về các môn đao, kiếm, Nguyễn Lữ giỏi về quyền. Nguyễn Huệ thu nạp nhiều anh tài và các tướng lĩnh tinh thông võ nghệ như: đô đốc Trần Quang Diệu; Võ Văn Dũng; Bùi Thị Xuân; Lê Văn Hưng… sau đó là thanh niên, trai tráng, nhân dân trong vùng luyện tập võ nghệ làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vùng đất Tây Sơn là nơi có truyền thống thượng võ, các môn phái rất đa dạng và không dễ dàng truyền bá cho nha, chỉ có dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Nguyễn Huệ, các anh tài mới đồng tâm hiệp lực, chung lưng đấu cật quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong chiến đấu đã xuất hiện các chiến lược, chiến thuật của Nguyễn Huệ, các thế võ hiểm, các đòn đánh hay…được ứng dụng nhuần nhuyễn vào quân sự.

Đó chính là thiên tài của Nguyễn Huệ. Ông đã xây dựng một quân đội hùng mạnh bao gồm nhiều binh chủng như: bộ binh; kỵ binh; tượng binh, hỏa thuyền…Nguyễn Huệ vừa sử dụng các vũ khí hiện đại thời bấy giờ vừa sử dụng các binh khí võ thuật, phối hợp nhịp nhàng giữa các binh chủng, trong đó bộ binh là chủ lực giải quyết các trận địa.

Cuộc hành quân thần tốc xuân Kỷ Dậu từ Nam ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm phân chia. Chiến công đó lẫy lừng mà cho đến nay các nhà nghiên cứu quân sự vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Vương hiệu Quang Trung được phong trong quá trình cuộc hành quân này và ông được tôn xưng là tổ sư của dòng võ Tây Sơn – Bình Định – ông là người sáng lập và tập hợp tinh hoa của các võ sư giỏi để hình thành dong võ Tây Sơn, trong đó chiến thuật cận chiến là đặc trưng, ông đã xây dựng một đội quân chiến đấu giỏi, có kỷ luật nghiêm, có hệ thống từ thấp đến cao, võ thuật là nội dung chính trong chương trình quân huấn.

Tuy hoàn cảnh chinh chiến kéo dài, nhưng quần chúng nhân dân vẫn tích cực siêng năng tập võ, tập võ để phòng thân và đánh giặc. Lúc ây, người ta trong võ hơn văn, đường công danh trong chinh chiến hầu như bắt đầu bằng võ nghệ. Võ được phổ biến rộng rãi trong quân đội, dòng võ Tây Sơn có ba hệ phái gia truyền đó là: dòng họ Võ (dòng chính của Tây Sơn); dòng họ Bùi (của Bùi Thị Xuân); dòng họ Trần (của Trần Quang Diệu). Trong võ Tây Sơn có sáng tạo mới về thế đánh như: móc đầu cọp, đầu phụng, hùng kê quyền… bên cạnh những thế võ độc đáo còn có phối hợp với nhạc võ Tây Sơn để tăng khí thế tập luyện và chiến đấu. Võ Tây Sơn được soạn thảo phù hợp với cách luyện quân cấp tốc, chú trọng phần cận chiến. Mỗi chương trình huấn luyện bao gồm nhiều nội dung đa dạng cho các trình độ khác nhau. Nguyến Huệ đã lồng vào trong võ một tinh thần tự cường dân tộc, quyết thắng, quyết tử, khi đã vung gươm thì kẻ thù phải khiếp sợ. Quân Tây Sơn có tinh thần chiến đấu cao, nhanh nhẹn và linh hoạt. Đó là kết quả của công tác huấn luyện phù hợp, tập luyện thường xuyên và tinh thông.

Thời oanh liệt của nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi. Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi nhờ vào sự hỗ trợ của Pháp và bắt đầu sự trả thù đối với nhà Tây Sơn thật khốc liệt và tàn bạo. Trong đó, có việc cấm nghiêm ngặt sự lưu truyền võ Tây Sơn trong dân chúng nhằm xóa bỏ đi sự ảnh hưởng của Tây Sơn trong lòng dân, nhưng Nguyễn Ánh không thể thực hiện được vì võ Tây Sơn vẫn bí mật lưu truyền và thành như gia truyền, cha truyền cho con, chồng truyền cho vợ… từng nhà tập võ, từng thôn xóm tập võ, vì võ Tây Sơn đã ăn sâu vào lòng của mỗi người dân Bình Định. Trải qua thời gian dài, dưới sự cai trị của những ông vua bán nước và cả trong thời kháng Pháp, chống Mỹ, võ Tây Sơn vẫn tồn tại, nhất là sau khi nước nhà thống nhất thì võ Tây Sơn được khôi phục và phát triển rộng khắp, không những trong tỉnh mà trong cả nước.

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn