Võ sư Hà Trọng Ngự
Chúng tôi gặp ông vào một buổi sáng cuối tuần tại võ đường mở ở chùa Đồng Hiệp (quận Gò Vấp, Tp.HCM). Nhìn ông ít ai nghĩ rằng vị võ sư này đã 67 tuổi. Bởi dáng vẻ ông lanh lẹ, giọng nói trầm ấm đầy nội lực. Nhất là đôi mắt còn tinh anh lắm! Vừa kể chuyện nghiệp võ, ông vừa biểu diễn một vài đòn thế cho chúng tôi xem. Đôi bàn tay gân guốc, chai sạn, lúc chụm lại lúc xòe ra, mô phỏng các thế quyền đầy uy lực.
Cuộc sống của ông là cả một quá trình di chuyển liên tục.
Đi tới đâu ông đều truyền bá môn võ của bổn phái. Sinh ra từ quê hương đất võ Bình Định, võ sư Hà Trọng Ngự theo học võ từ lúc 6 tuổi với bác ruột Hà Trọng Sơn. Người được mệnh danh là “hùm xám miền Trung”. Với những trận thắng vang dội trên võ đài. Nhờ sáng dạ và chịu khó khổ luyện, Hà Trọng Ngự nhanh chóng học được những kỹ thuật thượng thừa của môn phái.
Vì vậy, đến năm 25 tuổi, ông được thầy cho mở võ đường ở quê nhà. Thu hút được nhiều môn sinh theo học. Về sau, ngẫm nghĩ thấy đòn thế của môn phái chưa hoàn thiện, tiếng tăm còn hạn chế, nên từ đấy ông chuyên tâm vào việc nghiên cứu bổ sung một số thế võ nhằm hoàn thiện hơn hệ thống quyền cước của môn phái.
Đồng thời ra sức đào tạo nhiều môn sinh nhằm gầy dựng địa vị ở quê nhà. Khởi đầu cho việc truyền bá võ thuật ra bên ngoài. Chính những đóng góp đó, năm 1995, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền thành phố Quy Nhơn.
Võ sư Hà Trọng Ngự, Chưởng môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định. Ảnh: Lê Minh
|
Nhận thấy miền đất phương Nam là nơi lý tưởng để phát triển võ thuật. Năm 1997 ông cùng vợ và hai người con chuyển đến sống tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong 10 năm ở đây, ông đã mở được 4 võ đường. Được hàng ngàn môn sinh trong vùng và các tỉnh lân cận theo học.
Phát hiện thấy những ai có tố chất, ông tích cực đào tạo và cho tham gia các giải đấu cấp thành phố, cấp quốc gia.
Trong số họ, có người đạt thành tích cao ở hai nội dung thi đấu đối kháng và thi hội diễn. Trên con đường truyền bá võ thuật, ông tiếp tục đến Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Tại đây, ông mở thêm 3 võ đường rồi trực tiếp đứng lớp võ trong chùa Đồng Hiệp. Ngoài việc dạy võ cho các môn sinh, ông còn mở lớp võ miễn phí dạy các sư thầy trong chùa và các anh em dân quân ở địa phương. Bởi theo ông “dạy võ cũng là một hoạt động đóng góp vào sự nghiệp quốc phòng”. Ngoài ra, nhờ học được từ sư phụ phương pháp dùng các rễ cây, thảo mộc quý hiếm làm thuốc để chữa trị chấn thương, bong gân, trật khớp. Ông đã giúp đỡ rất nhiều người có nhu cầu.
Để tìm hiểu võ thuật quốc tế, ông đã cử những võ sư có trình độ ra nước ngoài tham dự các hội thảo, các giải đấu quốc tế. Một vài võ sư đã ở lại một số nước mở võ đường để truyền bá võ học của môn phái. Hiện tại, ông mở được 13 võ đường trong nước và 3 võ đường ở Pháp, Mỹ và Nauy. Thu hút hơn 5000 môn sinh trong nước và quốc tế theo học. Với những đóng góp cho môn phái, ngày 09/9/2009, ông chính thức tiếp nhận chức Chưởng môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định.
Võ Ta – Tây Sơn Bình Định có nhiều bộ quyền pháp bí hiểm.
Trong đó có bài quyền “Ba chân hổ”. Một tuyệt kỹ bí truyền mà võ sư Hà Trọng Ngự hiện được xem là truyền nhân duy nhất. Tương truyền, bài quyền có từ gần 200 năm trước. Do một người tiều phu giỏi võ đánh nhau với con hổ ba chân mà sáng tạo thành. Khi được đề cập vì sao bài quyền này hiện nay rất ít người biết thì vị võ sư trầm ngâm: “Đây là loại võ công bí truyền thuộc vào hàng tuyệt kỹ. Chỉ những người thực sự có tố chất, đạo đức và phải có cái tâm mới có thể lĩnh hội những tinh túy của bài quyền.
Thêm nữa, bài quyền này là loại võ thuật có tính sát thương rất cao.
Nếu rơi vào tay bọn bất lương thì hậu quả khó lường. Chỉ trong những tình thế chẳng đặng đừng mới được sử dụng”. Hiện tại, ông đang truyền lại bài quyền này cho hai người con của mình là Hồ Trọng Kha Ly và Hồ Trọng Kha Vy. Đều là những võ sư xuất sắc của môn phái, theo học võ với ông từ nhỏ. Hiện nay đang thay cha quản lý các võ đường. Một người khác là võ sư Trương Thành Tâm, quản lý võ đường tại Nauy, cũng được ông truyền dạy bài quyền nổi tiếng này.
Cả một đời dạy võ, ông tâm niệm trong võ học không nên giấu nghề, như vậy sẽ làm mai một tinh hoa võ học của nước nhà. Ông luôn đem hết sự nhiệt tình để hướng dẫn các môn sinh, xem họ như con cháu ruột thịt, đồng thời nhắc nhở các môn sinh luôn lấy võ đức làm kim chỉ nam để phát triển môn phái, xây dựng võ thuật cổ truyền đi đúng hướng.
Võ sư Hà Trọng Ngự tại phòng làm việc của mình. Ảnh: Lê Minh Ngoài niềm đam mê võ học, võ sư Hà Trọng Ngự cũng là người đa cảm nên ông có thú vui làm thơ, chơi cây cảnh. Ảnh: Lê Minh
|
Hiện tại, ông vẫn trực tiếp đứng lớp dạy võ, nhìn cách ông ân cần chỉ từng động tác, thế bộ cho các môn sinh mới thấy tâm huyết của ông vẫn còn như lúc ban đầu. Ngoài việc dạy võ, những lúc nhàn rỗi ông còn có thú chơi cây cảnh và sáng tác thơ văn. Một số bài thơ của ông đã được in trong tuyển tập thơ “Em và quê hương” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Hiện ông đang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng võ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm liền, ông còn là trọng tài giám định, giám khảo quốc gia về võ cổ truyền./.