Võ cổ truyền Bình Định có nội dung vô cùng phong phú, đa dạng. Mang đậm sắc thái độc đáo. Tạo nên những nét đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là cái “nôi” của võ cổ truyền các dân tộc Việt Nam.
Trước hết, được hình thành do các yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội và sự giao lưu văn hóa. Cùng với sự hội nhập của các dòng võ. Hay nói cách khác đặc điểm lịch sử, bối cảnh xã hội và quá trình hình thành, phát triển võ cổ truyền của dân tộc. Tạo nên dòng võ cổ truyền Bình Định. Bao gồm các lĩnh vực: võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc, võ phục. Chính những đặc điểm và các yếu tố đó hình thành nên các đặc trưng và nội dung cơ bản của võ cổ truyền Bình Định.
Võ cổ truyền Bình Định bao gồm nhiều đặc trưng, dưới đây là 3 đặc trưng cơ bản:
* Đặc trưng thứ 1: Mang tính quần chúng và tính chiến đấu sâu sắc
Có thể nói tính quần chúng và tính chiến đấu trong võ thuật là một thuộc tính chung. Song đối với võ cổ truyền Bình Định nó còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội và giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc. Trở thành máu thịt và niềm tự hào của người dân Bình Định. Đặc biệt là mỗi khi có họa ngoại xâm, mọi người từ già, trẻ, trai, gái, ai nấy đều hăng hái luyện tập võ nghệ. Đầu quân giết giặc, lập công. Điều đó được thể hiện rõ nét trong câu ca dao:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền
Từ xa xưa, ở vùng đất Bình Định, việc luyện rèn võ nghệ được coi là sự tự hào của gia đình. Cụ thể hơn là để giữ thân, giữ nhà, giữ của. Chính vì vậy nên không chỉ có đấng nam nhi, mà ngay cả phái yếu cũng theo đời cung, kiếm để khi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Tiên biểu nhất là dưới thời Tây Sơn và giai đoạn chống thực dân Pháp. Võ Bình Định được sử dụng như giấy thông hành. Là một tiêu chuẩn quan trọng để trở thành nghĩa quân Tây Sơn. Thực tế đã chứng minh trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm. Nhiều đội quân thiện chiến, võ nghệ cao cường, binh hùng, tướng mạnh nhưng đều bị quân đội Tây Sơn tiêu diệt. Mà vũ khí lúc bấy giờ là võ thuật phối hợp cùng các binh khí sở trường của tổ tiên truyền lại.
* Đặc trưng thứ 2: Thường sử dụng bộ ngựa “Túc bất ly địa”
Bộ ngựa này thường di chuyển theo đồ hình bát quái. Quyền bông trực chỉ (tay thường đánh thẳng) và vận hành theo huyết âm-dương ngũ hành.
Bộ ngựa di chuyển một cách vững chắc (ví như nền móng của ngôi nhà) . Nhưng không có nghĩa lúc nào cũng chôn chặt đôi chân. Mà luôn có sự biến đổi, tiếp cận, thích nghi và khi cần thiết mới dồn trọng lực ở đôi chân. Nên khi đứng thì như “hòn đá tảng”. Ngược lại lúc di chuyển thì lại linh hoạt, nhanh nhạy. Hoạt động ở mọi địa hình, mọi tư thế một cách nhẹ nhàng uyển chuyển.
Còn về phần các chiêu thức, đòn thế mang tính đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định thì có rất nhiều . Miếng đánh, thế đánh độc đáo. Nhưng rõ nét hơn hết, có lẽ phải đề cập đến các bộ pháp: bộ “đội” .(thường dùng ngựa cực nhạy và sử dụng cả vai lẫn đầu để nhanh chóng áp sát đội vào vùng hạ bộ đối phương). Bộ “hốt” (thường dùng thế đánh lừa đối phương và dùng ngựa cực nhanh, chính xác tiếp cận hốt đối phương quăng ra xa). Bộ “liệng” (chủ yếu dùng bộ ngựa phối hợp với bộ tay gài ngựa và đánh đối phương té nhào xuống đất).
Đây là một số đòn thế cực kỳ nguy hiểm. Có tính quyết định nhằm nhanh chóng triệt hạ hay quật ngã đối phương cao, to, khỏe hơn.
* Đặc trưng thứ 3: Có lời thiệu
Mỗi bài quyền, mỗi bài binh khí của võ cổ truyền Bình Định đều có lời thiệu cụ thể. Có tên gọi từng bài võ cụ thể tương ứng và phù hợp với từng động tác, từng thế võ. Trong đó có một số bài quyền, bài binh khí còn có cả hình vẽ minh họa từng cách đánh, cách di chuyển. Có lý giải, phân tích sự lợi hại của từng động tác võ.
Bài thiệu thường được viết theo dạng văn xuôi ngắn, hoặc thể thơ, ca dao dân gian . Giúp cho người dạy và người học thống nhất, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu. Nhằm thực hiện một cách đồng bộ, chuẩn xác giữa lý thuyết với thực hành .(nếu một khi thực hành động tác mà quên thì đọc lại lời thiệu sẽ nhớ và hiểu được ngay).
Thời gian qua, ngành TDTT Bình Định đã “mò kim đáy biển” sưu tầm, phát hiện thêm được trên 100 bài võ. Trong đó có hơn phân nửa có lời thiệu, được viết rất công phu, cẩn trọng.
Đây chính là những tư liệu “giáo khoa” cực kỳ quý giá của tổ tiên để lại. Đồng thời cũng để khẳng định và minh chứng: võ cổ truyền Bình Định thuộc nền võ dân tộc mới có bài thiệu. Nhất là những bài thiệu được tìm thấy trên đất Bình Định.
. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định