Truyền nhân duy nhất của Quyền 3 chân hổ bây giờ ra sao?

Truyền nhân duy nhất của Quyền 3 chân hổ bây giờ ra sao?

Truyền nhân duy nhất của Quyền 3 chân hổ bây giờ ra sao?
Truyền nhân duy nhất của Quyền 3 chân hổ

Hơn 1 thế kỷ trước, Quyền 3 chân hổ – một tuyệt kỹ võ công thuần Việt với sức sát thương cực lớn đã bị loan báo là thất truyền.

 Thế nhưng, trong khoảng những năm đầu của thế kỷ 20, tin đồn tuyệt học này vẫn còn truyền nhân tại Bình Định khiến cho giới võ học bất ngờ…

Dòng họ truyền nhân

Thời bấy giờ, người trong giới võ ùn ùn đổ về làng An Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định – nơi được cho là có truyền nhân duy nhất còn sót lại của tuyệt học Quyền 3 chân hổ. Nơi đây có cậu bé tên Hà Trọng Sơn là người nắm vững tuyệt kỹ võ học này.

Các võ sĩ tìm đến An Hòa, ai cũng háo hức muốn được thử sức với Quyền 3 chân hổ. Nhưng khi nhìn thấy Hà Trọng Sơn tuổi còn chưa thành niên, thấp bé nhẹ cân, lại là con trai duy nhất trong một gia đình toàn phụ nữ, đa phần đều tỏ ra coi thường, chán ngán.

Trọng Sơn khiêm nhường nên chỉ lặng im mặc những lời dè bỉu. Nhưng lúc ấy, có một võ sĩ cũng từ miền khác tới cứ liên tục xúc phạm dòng họ Hà Trọng, khiêu khích tỉ thí. Chẳng đặng đừng, Trọng Sơn phải bước ra sới võ trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng lẫn khách phương xa. Chỉ với vài chiêu thức trong tuyệt kỹ Quyền 3 chân hổ, Trọng Sơn đã khiến đối thủ kinh sợ và nhận thua.

Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí thời bấy giờ mệnh danh là “hùm xám miền Trung”. Năm ấy, Trọng Sơn mới vừa tròn 15 tuổi. Danh xưng “hùm xám miền Trung” đã theo ông trong chuỗi trận bách chiến bách thắng trên khắp các võ đài.

Ngày Hà Trọng Sơn mất đi, thân hữu và các võ sĩ của làng võ Việt đã đề tặng rằng: “Nghiệp võ lừng danh gió bụi không say tâm mãnh hổ – Tài hoa nổi tiếng thủy chung vẹn giữ đức hiền nhân”.

Võ sư Hà Trọng Ngự (giữa) truyền nhân của tuyệt học Quyền 3 chân hổ

Võ sư Hà Trọng Ngự (giữa) truyền nhân của tuyệt học “Quyền 3 chân hổ”

Sở dĩ Quyền 3 chân hổ nổi tiếng, được giới võ học quan tâm đến vậy là vì người nắm giữ được tuyệt học này có thể đánh bại được thú dữ, một mình chống lại sự tấn công của nhiều người. Nhưng để tập luyện môn võ này, không phải chuyện dễ dàng. Thế nên, khi cái tin Hà Trọng Sơn qua đời được lan ra, người ta lại một lần nữa xôn xao vì cho rằng Quyền 3 chân hổ vi diệu vô song lại chính thức thất truyền.

Nhưng cố võ sư Hà Trọng Sơn đã kịp truyền lại tuyệt học này cho một người trong gia đình, đó là võ sư Hà Trọng Ngự, người sau này nối danh dòng họ truyền nhân bằng cái tên “hùm xám miền Nam”.

Giai thoại Quyền 3 chân hổ

Lần theo sự chỉ dẫn của một vài người bạn theo học võ, tôi đến chùa Đồng Hiệp, quận Gò Vấp, nơi ông Hà Trọng Ngự mở võ đường, để tìm hiểu thêm về truyền nhân duy nhất còn lại của tuyệt học Quyền 3 chân hổ.

Hà Trọng Ngự, đúng như lời đồn đại, tuy đã ngoài lục tuần nhưng tinh anh, quắc thước hơn người. Tiếp chuyện cùng tôi, ông Trọng Ngự chẳng ngại ngần ngồi ngay giữa sân tập mà kể về huyền tích của “Quyền 3 chân hổ”.

Theo ông, môn võ này xuất hiện khoảng hơn 200 năm về trước. Năm ấy tại khu vực núi Bà, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bỗng xuất hiện một con hổ khổng lồ chỉ còn lại ba chân nhưng tinh ranh và dữ tợn vô cùng, không kém gì “cọp ba móng” từng xuất hiện ở chiến khu Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vào năm 1954.

Võ sư Trọng Ngự kể: “Con cọp 3 chân thường vào làng quấy phá, thấy người là ăn thịt, khiến rất nhiều tiều phu và dân làng ở khu vực núi Bà bị chết mất xác, có gia đình may mắn tìm được xác nạn nhân thì cũng chỉ là những phần thân thể bị cọp vồ xé nham nhở. Từ đó, dân làng luôn sống trong nỗi sợ hãi kinh hoàng”…

Đã ngoài lục tuần, nhưng võ sư Hà Trọng Ngự vẫn khỏe mạnh, quắc thước hơn người

Ngày nọ, có một người tiều phu đang gánh củi về làng khi trời vừa xẩm tối. Bỗng hổ ba chân ở đâu lao tới vồ lấy ông. Nhanh như cắt, ông né đòn rồi xoay người phang ngang gánh củi vào mình hổ. Sau, ông rút đòn xóc được vót nhọn hai đầu mà ông vẫn thường dùng để gánh củi tấn công mãnh hổ.

Trong nhiều giờ liền dưới ánh trăng mờ ảo, dân làng hồi hộp nghe tiếng hổ gầm rú vang dậy cả màn đêm. Khi dân làng kéo được đến gần nơi người và hổ giao chiến, thấy người tiều phu toàn thân nhuốm máu, đòn xóc vẫn vững trên tay, phản công quyết liệt.

Hổ 3 chân cũng thương tích đầy mình, lại thấy đông dân xuất hiện, liền kiệt sức quay đầu chạy vào rừng. Rồi từ đó, không hiểu sao, người dân không còn thấy con hổ hung tợn ngày nào về làng quấy phá nữa.

Người tiều phu dũng mãnh đã kịp ghi chép lại những thế đánh lúc cận chiến với hổ ba chân. Cách nó trụ vững, thủ thân, rình, gườm, vồ, tát… có lúc tấn công đầy uy dũng, lúc lại như đùa giỡn vờn mồi… vô cùng linh hoạt.

“Từ đó, các vị tiền nhân hệ thống lại các thế cho có bài bản và khai sinh ra bài Quyền 3 chân hổ danh chấn một thời. Cứ thế, bài quyền được lưu truyền trong cộng đồng dân cư núi Bà và may mắn sao, dòng họ Hà Trọng tôi đến nay vẫn còn lưu giữ”, võ sư Hà Trọng Ngự kể.

 

theo Một thế giới

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *