Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn Bình Định

Cách đây tròn 228 năm, vào ngày Mùng 5 Tết Kỷ Dậu, năm 1789, nhà Tây Sơn Tam Kiệt và các văn thần, võ tướng với khí thế thần tốc, hùng dũng đã đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước ta, thu non sông về một mối. Để tưởng nhớ và tri ân công đức của Tây Sơn Tam Kiệt cùng các Văn thần, Võ tướng. Ngày 28/12/2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2017).

Ngược theo dòng lịch sử, năm 1788, trong bối cảnh bị đe dọa bởi các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi và để củng cố ngôi vị và quyền lực của mình, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh lúc đó là Càn Long vốn có mưu đồ sang xâm chiếm nước ta từ lâu. Được sự cầu cứu của vua nước Nam, vua Càn Long đã lập tức cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân chia làm 4 mũi ồ ạt tiến vào thành Thăng Long xâm lược nước ta. Quân Thanh tiến vào kinh thành Thăng Long không gặp phải sự kháng cự lớn nào từ quân dân nước Việt, Tôn Sĩ Nghị đã ngạo mạn tuyên bố: Đến ngày mùng 6 Tết sẽ kéo quân vào thẳng sào huyệt Tây Sơn.

Nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788 tức ngày 25/11 âm lịch, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã xưng vua, lấy tên hiệu là Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc chống trả quân Thanh xâm lược. Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789) đại quân Tây Sơn đã bất ngờ tiến về Hà Nội đánh tan đồn trại giặc Khương Thượng khiến tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.

Picture 345

Khách tham quan tại Bảo tàng Quang Trung

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Bình Định, là dịp để nhân dân trong tỉnh và khách phương xa ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung, góp phần động viên giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời dấy lên phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

Lễ hội được tổ chức vào ngày 31/01/2017 (nhằm mùng 4Tết Đinh Dậu) tại Bảo tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên và Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt tại Di tích Gò Lăng (huyện Tây Sơn). Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn là lễ hội được đánh giá lớn nhất Việt Nam trong những ngày đầu năm mới, mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn cho đến nay vẫn bảo toàn được các nghi thức truyền thống. Chính các nghi lễ này đã góp phần chuyển tải giá trị lịch sử đến với tất cả những người tham gia lễ hội.

Picture 213

Hô Bài chòi trong thời gian diễn ra Lễ hội

Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra 2 phần: Phần lễ và Phần hội

1. Phần lễ:

– Lễ dâng hương tại Đài Kính Thiên

+ Thời gian: Lúc 14h30, mùng 4 tết

– Lễ dâng hương tại Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt tại Di tích Gò Lăng

+Thời gian: lúc 15h30, mùng 4 tết

– Lễ dâng hoa – dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung

+ Thời gian: lúc 16h00, mùng 4 tết

2. Phần hội:

– Chương trình nghệ thuật tổng hợp và võ thuật chào mừng kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

Ngày 31/01/2017 (nhằm mùng 4 tết, biểu diễn sau chương trình Lễ dâng hoa, dâng hương) tại sân khấu trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

– Tổ chức Hội đánh Bài chòi cổ dân gian

Diễn ra trong 03 ngày ( từ 30, 31/01 và ngày 01/02/2017 (từ mùng 3 đến chiều mùng 5 tết) trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

– Chương trình biểu diễn của Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định

Từ 19h00 ngày 31/01/2017 (nhằm mùng 4 tết) tại sân khấu trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

– Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Từ 19h00 ngày 01/02/2017 (nhằm mùng 5 tết) tại sân khấu trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

– Hoạt động của các Đoàn trò chơi dân gian

Từ ngày 30/01 đến ngày 01/02/2017 (từ mùng 3 đến mùng 5 tết) tại khu C (góc Đông – Nam) và bên trong Bảo tàng Quang Trung

– Các hoạt động văn hóa, thể thao khác

Từ sáng ngày 01/02/2017 (mùng 5 tết) tại khu vực Nhà Rông trong Bảo tàng Quang Trung; tổ chức các môn thi thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy, múa Lân-Sư-Rồng…).

– Các hoạt động tại Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê

– Một số hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trên địa bàn huyện Tây Sơn.

Ngày nay, đi dự hội Đống Đa – Tây Sơn đối với người Bình Định cũng như khách du xuân đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân. Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn chính là một nét văn hóa tinh thần đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước trong tâm hồn những người dân nước Việt.

Chia sẻ ngay:

Facebook
Twitter
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *